4 tác hại của kìm nén cảm xúc – Cách chăm sóc cảm xúc

Bạn có thường xuyên kìm nén cảm xúc của mình không? Vì sao các chuyên gia tâm lý không khuyến khích kìm nén cảm xúc? Cùng tìm hiểu 4 tác hại của kìm nén cảm xúc trong bài viết này nhé!

Như Vironika Tugaleva chia sẻ, “Cảm xúc không phải là vấn đề cần được giải quyết. Nó là tín hiệu cần  được tìm hiểu và làm sáng tỏ. “

Thực tế thì, vẫn có nhiều văn hóa cộng đồng hoặc văn hóa công ty không đánh giá cao vai trò của cảm xúc trong đời sống hằng ngày. Thể hiện cảm xúc bị “mặc định” là điểm yếu phải khắc phục. Chính quan niệm này buộc nhiều bạn phải cố kìm nén cảm xúc của mình, để được chấp nhận và nhìn nhận.

Tuy nhiên, nhiều nghiên cứu cho thấy nếu một người cứ kìm nén cảm xúc của mình nhiều lần trong thời gian dài, thì người đó sẽ có nguy cơ bị tổn thương cả về thể chất lẫn tâm lý.

Ví dụ 4 tác hại sau:

1- Càng kìm nén cảm xúc tiêu cực hoặc khó chịu, cường độ của cảm xúc đó mạnh hơn. Dễ bị kẹt vào vòng luẩn quẩn.
2- Dễ rơi vào tâm trạng thất thường
3- Sức khỏe bị ảnh hưởng: stress, bệnh tim mạch, v.v.
4- Tiêu hao năng lượng không cần thiết

Bản thân mình cũng đã từng trong tình trạng như thế mà không biết. Nhưng may mắn đã học được cách vượt qua, dần dần học cách thể hiện cảm xúc sao cho hợp lý.

Vì vậy, cần rõ biết mình có đang trong tình trạng kìm nén cảm xúc hay không? Cần biết thêm kìm nén cảm xúc sẽ dẫn đến những tác hại gì? Và quan trọng là, cần học cách thể hiện cảm xúc một cách thông minh.

Mục lục:

Lưu ý: bài chia sẻ này không có ý chỉ trích và phủ nhận cách thức kìm nén cảm xúc. Cách thức này trong một vài hoàn cảnh vẫn được xem là cần thiết.

Xem thêm:
4 điểm cốt lõi trong trí tuệ cảm xúc
Trí tuệ cảm xúc là gì? Bắt đầu thực hành từ đâu?
Sổ bài tập 7 ngày tập nhận diện cảm xúc

A – Kìm nén cảm xúc là gì?


1 – Những trạng thái cảm xúc

kìm nén cảm xúc - 5 tác hại của kìm nén cảm xúc - Hugmystep.com
Các trạng thái cảm xúc – Nên hay không nên kìm nén cảm xúc?

Một số cảm xúc cơ bản của con người bao gồm: hạnh phúc, buồn rầu, giận dữ, ngạc nhiên, sợ hãi, tin tưởng, phỏng đoán 1, 2.

Ngoài những cảm xúc cơ bản, những cảm xúc khác thường biểu hiện do văn hóa, quan niệm và các tiêu chuẩn xã hội. Hoặc có thể do cảm xúc khác tác động lên. Ví dụ như xấu hổ, tội lỗi, lúng túng bối rối, lạc quan, hiếu chiến, v.v.

Đọc thêm về 2 nhóm cảm xúc này và danh sách các trạng thái cảm xúc :
2 nhóm cảm xúc trong trí tuệ cảm xúc

2 – Kìm nén cảm xúc là gì?

Kìm nén cảm xúc

Nhiều người hiện nay đang điều chỉnh cảm xúc bằng cách kìm nén cảm xúc của mình (đặc biệt là cảm xúc tiêu cực, cảm xúc mình không thích).

Định nghĩa

Kìm nén cảm xúc, hiểu nôm na, là cố đẩy cảm xúc mình không thích đi. Theo GS Salovey và TS Caruso, kìm nén cảm xúc là “cố gắng không cảm thấy một cảm xúc nào đó“.

Hình thức của kìm nén cảm xúc

Đây là một vài hình thức nhiều người dùng để kìm nén cảm xúc:

  • Khỏa lấp cảm xúc khó chịu, tiêu cực bằng rượu bia hoặc các thức uống có cồn, sử dụng các chất thuốc gây nghiện
  • Mua sắm quá mức không cần thiết
  • Làm việc quá sức để quên đi một cảm giác nào đó
  • Làm việc gì đó khác để đánh lạc hướng cảm xúc
  • Lờ đi những cảm xúc mình đang có nhưng không thích
  • Vờ như chúng không xảy ra

Đặc điểm chung của hành vi kìm nén cảm xúc

  • Chạy trốn, không dám đối mặt với cảm xúc của mình
  • Bối rối không biết phải giải quyết cảm xúc đó thế nào
  • Sợ hãi nếu đối mặt với cảm xúc
  • Theo đuổi cảm giác dễ chịu, thoải mái, an toàn
  • Thái độ phán xét lên cảm xúc, dẫn đến phản ứng thích hoặc không thích cảm xúc đó

B – 4 tác hại của kìm nén cảm xúc


1 – Càng kìm nén cảm xúc tiêu cực hoặc khó chịu, cường độ của cảm xúc đó mạnh hơn. Dễ bị kẹt vào vòng luẩn quẩn

Bình thường khi có một cảm xúc khó chịu, tiêu cực, chúng ta thường có xu hướng chối bỏ nó, không chấp nhận nó. Tuy nhiên, cách đối phó này có thể tạo ra tác dụng ngược.

Nhiều trường hợp cho thấy, càng chối bỏ những cảm xúc tiêu cực hoặc không như ý muốn, cảm xúc đó khi lặp lại lại biểu hiện mạnh mẽ hơn lần trước.

Một nghiên cứu từ Đại học Texas, Mỹ cho thấy nhóm người thường kìm nén cảm xúc có xu hướng dễ tức giận hơn, hung hăn hơn. Hậu quả là mối quan hệ bao năm bị đỗ vỡ.

Vì vậy thay vì đè nén cảm xúc, trước hết ta cần hiểu nguyên nhân của nó. Rồi học cách giải bày cảm xúc trong trạng thái bình tĩnh.

Nếu không, ta dễ bị kẹt vào vòng lặp luẩn quẩn: cảm xúc – cố gắng kìm nén nó bằng cách đẩy nó qua một bên – cảm xúc lặp lại – kìm nén cảm xúc, v.v.

2 – Dễ rơi vào tâm trạng thất thường

Khi vẫn còn bị kẹt trong cái vòng lẩn quẩn của kìm nén cảm xúc, nghĩa là vẫn chưa thấy rõ những lý do gây ra cảm xúc tiêu cực/khó chịu đó.

Những lý do này đến từ môi trường bên ngoài như mối quan hệ với mọi người (bạn bè, đồng nghiệp, khách hàng, ông chủ, gia đình, v.v.), thời tiết, văn hóa, quy định, thực phẩm tiêu thụ, v.v.

Còn những lý do chủ quan như là những suy nghĩ, niềm tin, khao khát, cơ thể vật lý, v.v.

Các nguyên do này là những tác nhân bên dưới của bề mặt cảm xúc. Khi vẫn chưa thấy ra nguyên do, thì rất dễ bị cuốn vào những làn sóng cảm xúc từ buồn sang vui, từ vui sang buồn, từ hiền lành sang giận dữ, v.v. Biểu hiện tâm trạng thất thường.

Liều thuốc cho “căn bệnh này” là quan sát không phán xét trạng thái cảm xúc và nguyên do của nó.

Xem thêm:
Trí tuệ cảm xúc là gì? Bắt đầu thực hành từ đâu?

3 – Ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe

Đè nén những cảm xúc khó chịu, tiêu cực, rồi tiếp tục chất chứa chúng trong lòng mà không học cách giải tóa. Về lâu dài sẽ không có ích lợi cho sức khỏe, tăng stress, tăng nguy cơ mắc các bệnh tim mạch.

4 – Tiêu hao năng lượng

Năng lượng cơ thể như cục bin, luôn có giới hạn trong 24 giờ của một ngày. Chính vì vậy, ta nên sử dụng cục bin này một cách thông minh vào những việc quan trọng, hoặc các việc hữu ích cho tìm hiểu và phát triển bản thân.

Trong 24 giờ đó, mọi suy nghĩ, cảm xúc, lời nói, hành động, hoạt động bộ phận cơ thể đều cần năng lượng.

Cũng như vậy, kìm nén cảm xúc cũng sẽ tiêu hao năng lượng cơ thể. Tiêu hao nhiều hay ít thì tùy thuộc vào cường độ của cảm xúc đó và ý muốn kìm nén nhiều đến đâu. Vậy thì, có đủ năng lượng cho các việc quan trọng kia hay không?

Liều thuốc để tránh tiêu hao năng lượng vì kìm nén cảm xúc là quan sát cảm xúc với thái độ không chống đối, không loại bỏ, không tiêu diệt nó.

C – Chăm sóc cảm xúc thay vì xua đuổi, kìm nén cảm xúc


Chăm sóc và làm bạn với cảm xúc / 4 tác hại của kiềm nén cảm xúc

1 – Thiền chánh niệm

Vironika Tugaleva chia sẻ: “Cảm xúc không phải là vấn đề cần giải quyết. Nó là tín hiệu cần được giải thích và làm sáng tỏ.”

Khi gặp một cảm xúc không như ý, khó chịu hoặc tiêu cực, thay vì kìm nén cảm xúc, cần tìm hiểu các nguyên nhân dẫn đến cảm xúc đó. Hiểu rõ các nguyên nhân này sẽ giúp ta làm chủ cảm xúc tốt hơn, không bị rơi vào tâm trạng thất thường.

Thiền chánh niệm là một phương pháp giúp bạn thực tập khả năng quan sát, nhận diện đơn thuần những nguyên nhân này. Đồng thời cũng giúp bạn xây dựng thói quen bớt phản ứng hoặc xua đuổi cảm xúc khó chịu, tiêu cực.

Bạn có thể tìm hiểu về thiền chánh niệm trên trang nhà của tăng thân Làng Mai langmai.org. Phương pháp thực tập đơn giản, dễ tiếp thu nhưng hiệu quả.

2 – Xây dựng thói quen chấp nhận cảm xúc thay vì xua đuổi cảm xúc

Cảm xúc, dù dễ chịu hay khó chịu, dù tích cực hay tiêu cực, đều cần được ôm ấp và chăm sóc. Chăm sóc cảm xúc đúng cách cũng cần phải tập và duy trì mỗi ngày.

Chấp nhận cảm xúc nghĩa là thừa nhận một cảm xúc nào đó tồn tại. Tốt hơn nữa là gọi tên cảm xúc ra. Ví dụ, em nhận thấy đang có cảm xúc giận dữ trong em. Anh nhận thấy đang có cảm xúc ganh tị với em.

Thừa nhận một cảm xúc tồn tại trong ta sẽ giúp ta bớt đối kháng, bớt chống cự, bớt phản ứng với nó. Cách này giúp ta dũng cảm đối diện với cảm xúc, thay vì xua đuổi cảm xúc. Kết quả là ta sẽ TRÁNH rơi vào vòng lặp luẩn quẩn của kìm nén cảm xúc.

Chấp nhận cảm xúc là bước cơ bản của chăm sóc cảm xúc đúng cách.

Chấp nhận cảm xúc nghĩa là thừa nhận một cảm xúc nào đó đang tồn tại trong ta.

3 – Thực tập nói lời thương yêu với cảm xúc

Cách ta trò chuyện với chính cảm xúc của mình cũng là cách ôm ấp và chăm sóc cảm xúc.

Nó giống như cách một bà mẹ dỗ dành đứa con của mình khi con khóc, động viên con mình khi con thiếu tự tin, an ủi con khi con thất bại, hoặc ôm con vào lòng khi con buồn.

Có nhiều cách để thực tập nói lời thương yêu với cảm xúc. Bạn có thể tự nói thầm trong đầu mỗi khi cơn sóng cảm xúc xảy ra.

Riêng mình thường tập viết thư cho cảm xúc của mình. Trong thư mình hạn chế dùng những lời trách móc hoặc chỉ trích cảm xúc.

4 – Làm nhật kí cảm xúc

Làm nhật kí cảm xúc là:

  • ghi nhận những biểu hiện cảm xúc từng ngày
  • ghi nhận diễn biến các dòng cảm xúc
  • ghi lại cảm xúc ấy biểu hiện trong hoàn cảnh nào
  • ghi lại các nguyên nhân bên trong dẫn đến cảm xúc đó

Bạn có thể viết nhật kí cảm xúc vào một cuốn tập, hoặc ghi âm, hoặc làm video nhật kí.

Mục đích của nhật kí cảm xúc là:

  • theo dõi quá trình thay đổi của cảm xúc
  • để ý những nguyên nhân cảm xúc nào hay lặp đi lặp lại để tìm cách tiết chế
  • lôi các cảm xúc suy nghĩ ra khỏi đầu thay vì để chúng chạy lòng vòng trong đầu

D – Sổ bài tập 7 ngày thực hành nhận biết cảm xúc đơn thuần


Biết rõ bản thân đang có cảm xúc gì là bước đi căn bản để nuôi dưỡng trí thông minh cảm xúc của bạn. Càng ngày, bạn sẽ càng hiểu biết về cảm xúc của mình, đồng thời biết cách vận dụng sự hiểu biết đó để tìm giải pháp, đưa ra quyết định, và biết cách cư xử để duy trì kết nối với mọi người.

Quần áo nào cũng phải thử lên người mới biết có vừa vặn với cơ thể của mình hay không. Người yêu cũng phải tìm hiểu trước khi kết hôn.

Trí tuệ cảm xúc cũng là một món ăn, một phương tiện cần phải thử để tăng hiểu biết về bản thân.

Hãy thử làm bài tập nhận biết cảm xúc đơn thuần trong 7 ngày sau:

Hãy chia sẻ kết quả trong phần comment hoặc email về hoa@hugmystep.com.

With love!

Các bài liên quan:

2 nhóm cảm xúc trong trí tuệ cảm xúc
15 mobile app EI hỗ trợ tập trí tuệ cảm xúc
10 điểm cần journalling trong nhận biết cảm xúc đơn thuần 
10 phẩm chất học hỏi từ những người thông minh cảm xúc 


Nguồn:

[1] Caruso, D., R. – Salovey, P. 2004. The Emotional Intelligent Manager. How to develop and use the four key emotional skills of leadership. CA: Jossy-Bass

[2] Plutchik, R. (2001). The Nature of Emotions: Human emotions have deep evolutionary roots, a fact that may explain their complexity and provide tools for clinical practiceAmerican Scientist, 89(4), 344-350.