Lịch sử Trí thông minh cảm xúc: xuất phát từ đâu? Phát triển thế nào?


Lịch sử Trí thông minh cảm xúc: bộ môn được bắt đầu nghiên cứu trong hoàn cảnh nào?

Trước đây, mọi người cho rằng cảm xúc và trí thông minh là hai khái niệm đối nghịch nhau. Trong nghiên cứu của Salovey và Mayer năm 1990, 1997 và 2000 nhắc đến việc con người lúc đó chỉ xem cảm xúc là vật cản trở gây khó khăn cho quá trình tư duy nhận thức. Những người hay bày tỏ cảm xúc của mình thường được cho là tiêu cực, bị bệnh tâm lý, nên di trị liệu để đè nén cảm xúc của mình.

Tuy nhiên, chính cha đẻ thuyết tiến hóa Charles Darwin đã ghi nhận giá trị của cảm xúc. Những ghi chép của ông trong cuốn sách ‘The Expression of the Emotions in Man and Animals‘ (dịch Việt: Sự biểu hiện các cảm xúc ở người và động vật) ghi rằng chính hệ thống cảm xúc tiếp nhiên liệu cho các hành vi phục vụ nhu cầu sống còn.

Đầu năm 1960 một số nhà nghiên cứu bắt đầu nhìn nhận vai trò của cảm xúc trong việc hướng dẫn suy nghĩ, hành động và cách giải quyết vấn đề của một người.

Cụ thể, hai nhà nghiên cứu tâm lý học Mayer và Salovey, dựa trên kết quả nghiên cứu năm 1993, đã khẳng định rằng cảm xúc có mối liên kết với quá trình tư duy logic, chứ không phải làm gián đoạn quá trình tư duy.

Nhà tâm lý học Daniel Goleman, trong cuốn sách tựa Emotional Intellgience (Trí tuệ cảm xúc) xuất bản 1995, cũng cho rằng cảm xúc và trí thông minh của con người hòa quyện với nhau, thay vì đối nghịch nhau.

Dựa trên kết quả nghiên cứu năm 1999 về trí tuệ cảm xúc ở sinh viên và quản trị viên, King cho rằng, khi một người hiểu chính xác cảm xúc của mình và của người khác, rồi biết dùng thông tin cảm xúc đó để nâng cao suy nghĩ, thì người đó sẽ trở nên thông minh hơn. Ông nói:

Tâm trạng không làm cho con người thông minh hơn, nhưng có thể ảnh hưởng đến suy nghĩ của họ.”


Lịch sử Trí thông minh cảm xúc: Khởi điểm và quá trình phát triển

Mối liên hệ với ‘Trí thông minh xã hội’ của Edward Thorndike (1920)

Dựa trên bài nghiên cứu của Mayer và Salovey1, Goleman2 , và Sharma3, trí thông minh cảm xúc có họ hàng với trí thông minh xã hội (social Intelligence).

Edward Thorndike là một trong những lý thuyết gia đầu tiên nêu ra khía cạnh “Trí thông minh xã hội” và định nghĩa về nó. Theo ông, trí thông minh xã hội khả năng hiểu cũng như quản lý con người, và biết cư xử phù hợp, sáng suốt trong các mối quan hệ. Định nghĩa này khá gần với định nghĩa chung về trí thông minh cảm xúc.

lich su tri tue cam xuc

Trên bài báo của mình đăng năm 1920, Edward Thorndike bắt đầu đào sâu về “Trí thông minh xã hội” như là một phần của trí thông minh được đo lường dựa trên chỉ số IQ. Tuy nhiên, sau đó ông đã phân biệt nó với 2 dạng thông minh khác: (1) khả năng hiểu các ý tưởng trườu tượng, và (2) khả năng hiểu các vật thể cụ thể.

Một số nhà nghiên cứu sau đó đã khai triển thêm khái niệm Trí thông minh xã hội này.

Cụ thể, Howard Gardner – trong cuốn sách nổi tiếng về lý thuyết 7 dạng trí thông minh của con người năm 1983- cho rằng trí thông minh xã hội bao gồm (1) các kĩ năng tương tác với mọi người và (2) các kĩ năng hiểu biết về bản thân.

Cantor và Kihlstrom, trong cuốn sách về Tính cách và Trí thông minh xã hội năm 1987, bổ sung khả năng “tiêu hóa” kiến thức về các chuẩn mực xã hội.

Năm 1993, MayerSalovey giải thích rõ hơn, rằng nó là khả năng thích ứng các tình huống khi tương tác với người khác, và dùng hiểu biết con người để cư xử phù hợp với hoàn cảnh đó.

Trong khi đó Marlowe (1987) bổ sung thêm khả năng vận dụng hiểu biết xã hội đó để lãnh đạo con người nhằm đạt kết quả chung.

Thuật ngữ ‘Trí thông minh cảm xúc’ được gọi tên và được tách thành một dạng thông minh riêng biệt

Chính Mayer và Salovey đã đưa ra thuật ngữ ‘Trí thông minh cảm xúc’ 4 dựa trên những nghiên cứu những năm 90′. Ban đầu hai ông giải thích trí thông minh cảm xúc là khả năng theo dõi cảm giác và cảm xúc của bản thân và người khác, là khả năng vận dựng hiểu biết ấy để điều hướng suy nghĩ và hành động.

Ban đầu Mayer và Salovey cho rằng, trí thông minh cảm xúc là một nhánh nhỏ của trí thông minh xã hội vì nó đề cập đến việc hiểu cảm xúc của con người và lấy đó để hướng dẫn suy nghĩ và hành vi.

Tuy nhiên, về sau hai ông thấy ra có các hoạt động trí não liên quan đến xử lý thông tin cảm xúc. Những hoạt động này gồm tiến trình đánh giá và thể hiện cảm xúc của bản thân và của người khác, tiến trình điều chỉnh cảm xúc, và vận dụng cảm xúc linh hoạt theo tình huống. Vì thề, Mayer và Salovey cho rằng trí thông minh cảm xúc nên được nhìn nhận là một dạng trí thông minh đặc biệt, hơn là xem nó là trí thông minh xã hội.

Theo đó, hai ông xây dựng mô hình thuần năng lực, bao gồm 4 khía cạnh của trí thông minh cảm xúc như sau:

lich su tri thong minh cam xuc hugmystep.com
  1. Khả năng nhận biết, đánh giá và thể hiện cảm xúc
  2. Khả năng sử dụng thông tin cảm xúc để điều hướng suy nghĩ
  3. Hiểu quá trình và nguyên nhân của cảm xúc
  4. Khả năng quản trị cảm xúc của bản thân và của người khác

Phổ biến và phát triển mô hình Trí thông minh cảm xúc

Bộ môn này bắt đầu phổ biến rộng rãi qua cuốn sách của Daniel Goleman xuất bản năm 1995, có tựa ‘Emotional Intelligence. Why it can matter more than IQ (DV: Trí tuệ cảm xúc. Tại sao nó còn quan trọng hơn cả IQ).

Ông giải thích trí thông minh cảm xúc như sau:

  1. Khả năng nhận biết cảm xúc của bản thân và khả năng xử lý chúng
  2. Khả năng vận dụng cảm xúc để đạt mục tiêu
  3. Sư đồng cảm với người khác = “ngưỡng mộ” sự khác biệt của người khác + nhạy cảm với cảm xúc của họ
  4. Khả năng quản trị cảm xúc của người khác

Khác với mô hình thuần năng lực của Mayer và Salovey, một số nhà nghiên cứu, trong đó có Daniel Goleman và Bar-On (1997) cho rằng, trí thông minh cảm xúc bao gồm các năng lực, tính cách và kĩ năng không liên quan đến nhận thức. Nghĩa là nó gồm cả các yếu tố thuộc về bản năng.

Các mô hình hỗn hợp của trí thông minh cảm xúc đã được xây dựng trên quan điểm này.


Câu hỏi bỏ túi!

Theo bạn:

Độ tuổi và giới tính có ảnh hưởng đến trí tuệ cảm xúc của mình như thế nào? Cho ví dụ.


Bài dịch và tóm tắt từ phần “History of Emotional Intelligence ” trong cuốn sách “Emotional intelligence, Leadership and Conflict management” của tác giả Taru Sharma và Anil Sehrawat xuất bản năm 2014.

Nguồn:

[1] Emotional intelligence. Imagination, Cognition, and Personality. Peter Salovey và John Mayer. 1990
[2] Emotional Intelligence. Why it can matter more than IQ. Daniel Goleman. 1995
[3] Emotional intelligence, Leadership and Conflict management. Taru Sharma và Anil Sehrawat. 2014
[4] https://www.ihhp.com/meaning-of-emotional-intelligence/

https://www.ocf.berkeley.edu/~jfkihlstrom/PDFs/1980s/1985/CantKihl_SocInt_RPSP1985.pdf