#002 Tôi đã biết lắng nghe chưa?

Bạn đã thực sự biết lắng nghe chưa?
Trạng thái khi lắng nghe sâu như thế nào?
Hãy cùng Jiddu Krishnamurti khám phá về cách lắng nghe sâu trong bài này nhé.

Nếu hỏi mình kĩ năng nào mình muốn cải thiện nhất? Đó là lắng nghe, và lắng nghe sâu. Bởi vì mình thấy sự cần thiết của lắng nghe sâu để kết nối mọi người. Khi bạn mình cần chia sẻ, mình chỉ cần lắng nghe bạn. Khi khách hàng phàn nàn dịch vụ, mình càng lắng nghe họ thật sự muốn gì. Một trong những lợi ích của lắng nghe cho cuộc sống của mình là giảm STRESS, giảm căng thẳng lo âu. Lắng nghe đã giúp mình làm chủ cảm xúc tốt hơn.

Vì thế, chủ đề bài đọc sưu tầm kì này sẽ là về CÁCH LẮNG NGHE, trích từ cuốn sách “Quyển sách của cuộc đời” của triết gia Jiddu Krishnamurti:

Lắng nghe thanh thản
Quên đi những màn che khi lắng nghe
Vượt khỏi sự huyên náo của ngôn từ khi lắng nghe
Lắng nghe không có tư tưởng
Lắng nghe mang lại tự do
Lắng nghe không có nỗ lực 
Lắng nghe chính mình

 

LẮNG NGHE THANH THẢN

toi da biet lang nghe chua hugmystep.com

Bạn có lần nào ngồi rất yên lặng, không có sự chú ý của bạn cố định vào bất kỳ thứ gì, không gây ra một nỗ lực tập trung, nhưng với một cái trí rất yên lặng, rất tĩnh?

Lúc đó bạn nghe mọi thứ, phải vậy không? Bạn nghe những tiếng ồn rất xa cùng với những tiếng ồn gần hơn và những tiếng ồn rất gần bên, những âm thanh ngay tức khắc – có nghĩa là thật sự bạn đang lắng nghe mọi thứ. Cái trí của bạn không bị hạn chế vào một nguồn nhỏ bé chật hẹp.

Nếu bạn có thể lắng nghe trong cách này, nghe thanh thản, không có gượng ép, bạn sẽ nhận thấy một thay đổi kỳ lạ đang xảy ra bên trong bạn, một thay đổi xảy ra không có ý nguyện của bạn, không có đòi hỏi của bạn; và trong thay đổi đó có vẻ đẹp kỳ diệu và chiều sâu của thấu triệt.

QUÊN ĐI NHỮNG MÀN CHE

toi da biet lang nghe chua hugmystep.com

Bạn lắng nghe như thế nào?

Có phải bạn lắng nghe dựa trên

…những sự kiện đã biết của bạn?
… qua ước lượng của bạn?
… qua những tham vọng, những thèm khát, những sợ hãi, những ưu tư của bạn?
… qua đang nghe chỉ điều gì bạn muốn nghe, chỉ điều gì sẽ cho thỏa mãn, điều gì sẽ làm vui thích, điều gì sẽ tạo an ủi, điều gì sẽ trong chốc lát giảm thiểu đau khổ của bạn hay không?

Nếu bạn lắng nghe qua cái màn của những thèm khát của bạn; vậy thì rõ ràng bạn chỉ lắng nghe sự diễn đạt riêng của bạn; bạn đang lắng nghe những thèm khát riêng tư của bạn.

Và liệu rằng còn hình thái nào khác của lắng nghe không?

Liệu rằng không quan trọng để khám phá cách lắng nghe không những đến điều gì đang được nói mà còn đến mọi thứ – đến sự ồn ào ngoài đường phố, đến tiếng líu lo của chim chóc, đến tiếng ồn của chiếc xe điện, đến biển cả khuấy động, đến tiếng nói của chồng bạn, đến tiếng nói của vợ bạn, đến tiếng nói của bạn bè bạn, đến tiếng khóc của một em nhỏ.

Lắng nghe chỉ có ý nghĩa và quan trọng chỉ khi nào người ta không đang vận hành những thèm khát riêng tư của người ta trong khi người ta lắng nghe.

Liệu rằng người ta có thể quên đi tất cả những màn che này trong khi chúng ta lắng nghe, và thật sự lắng nghe?

VƯỢT KHỎI SỰ HUYÊN NÁO CỦA NGÔN TỪ

Lắng nghe là một nghệ thuật không dễ dàng đạt được, nhưng trong nó có vẻ đẹp và hiểu biết tuyệt vời.

toi co biet lang nghe hugmystep.com

Chúng ta lắng nghe với những chiều sâu khác nhau của thân tâm chúng ta, nhưng lắng nghe của chúng ta luôn luôn cùng với một nhận thức trước hay từ một quan điểm riêng biệt.

Chúng ta không lắng nghe một cách mộc mạc hồn nhiên; luôn luôn có một cái bức màn chen vào của những suy nghĩ, những kết luận, và những thành kiến riêng tư của chúng ta….

Để lắng nghe cần phải có một sự yên lặng phía bên trong, một tự do khỏi cái áp lực căng thẳng của điều thâu nhận được, một chú ý thư giãn. Cái trạng thái thụ động nhưng tỉnh thức này có khả năng nghe cái gì vượt khỏi kết luận thuộc ngôn từ.

Từ ngữ gây nhầm lẫn; chúng chỉ là phương tiện truyền đạt bên ngoài; nhưng để cảm thông vượt khỏi sự huyên náo của ngôn từ, khi lắng nghe phải có trạng thái thụ động tỉnh thức.

Những con người mà thương yêu có lẽ lắng nghe; nhưng để tìm ra một người lắng nghe như thế rất là hiếm hoi.

Hầu hết mọi người trong chúng ta đều theo đuổi những kết quả, thành tựu những mục tiêu; chúng ta luôn luôn chiến thắng và đang chinh phục, và vì vậy không có đang lắng nghe.

Chỉ trong đang lắng nghe người ta mới nghe được bài hát của ngôn từ.

LẮNG NGHE KHÔNG CÓ TƯ TƯỞNG

Tôi không hiểu có lần nào bạn đã lắng nghe một con chim.

Để lắng nghe một điều gì đó đòi hỏi cái trí của bạn phải yên lặng – không phải một yên lặng huyền bí nhưng chỉ yên lặng.

Tôi đang kể cho bạn một điều gì đó và để lắng nghe tôi bạn phải yên lặng, không có tất cả những loại tư tưởng đang lăng xăng trong cái trí của bạn.

Khi bạn ngắm một đoá hoa, bạn ngắm nó, không gọi tên nó, không phân loại nó, không nói rằng nó thuộc về một loại nào đó – khi bạn làm những việc này, bạn ngừng ngắm nó.

Vì vậy tôi đang nói rằng để lắng nghe là một trong những sự việc khó khăn nhất – để lắng nghe một người cộng sản, một người xã hội, một dân biểu, một người tư bản, bất kỳ ai, vợ của bạn, con cái của bạn, người hàng xóm của bạn, người bán vé xe buýt, con chim – chỉ lắng nghe.

Chỉ khi bạn lắng nghe không có ý định, không có tư tưởng, lúc đó bạn tiếp xúc trực tiếp; và vì tiếp xúc trực tiếp bạn sẽ hiểu rõ liệu rằng điều gì ông ta đang nói là thật sự hay giả dối; bạn không phải tranh cãi.

LẮNG NGHE MANG LẠI TỰ DO

toi co biet lang nghe hugmystep.com

Khi bạn có một gắng sức để lắng nghe, bạn có đang lắng nghe không?

Không phải chính cái gắng sức đó là một xao lãng mà ngăn cản đang lắng nghe à?

Bạn có một gắng sức khi bạn lắng nghe một điều gì mà cho bạn sự hài lòng phải không?….

Bạn không ý thức được sự thật, bạn cũng không nhìn thấy điều giả dối như điều giả dối, chừng nào cái trí của bạn còn luôn luôn bị bận rộn bởi sự gắng sức, bởi sự so sánh, bởi sự bào chữa hay chỉ trích…

Chính lắng nghe là một động thái trọn vẹn; chính động thái lắng nghe mang lại tự do riêng của nó. Nhưng liệu bạn có thật sự quan tâm đến lắng nghe, hay là lại quan tâm đến thay đổi cái hỗn độn ồn ào bên trong?

Nếu bạn muốn lắng nghe, thưa bạn, bằng cách ý thức được những mâu thuẫn và những xung đột của bạn mà không cưỡng bách chúng vào bất kỳ khuôn mẫu đặc biệt nào của tư tưởng, có lẽ tất cả chúng sẽ chấm dứt.

Bạn thấy không, chúng ta đang cố gắng liên tục để là cái này hay là cái kia, để thành tựu một trạng thái đặc biệt, để nắm bắt một loại trải nghiệm và lẩn tránh một loại khác, thế là cái trí luôn luôn bận rộn với một điều gì đó; nó không bao giờ yên lặng để lắng nghe sự huyên náo của những đấu tranh và những đau khổ riêng tư của nó.

Hãy hồn nhiên…và đừng cố gắng để trở thành một điều gì đó hay để nắm bắt một trải nghiệm nào đó.

LẮNG NGHE KHÔNG CÓ NỖ LỰC

Bây giờ bạn đang lắng nghe tôi; bạn đang không có một gắng sức để chú ý, bạn chỉ đang lắng nghe; và nếu có sự thật trong điều gì bạn nghe, bạn sẽ phát hiện một thay đổi phi thường đang xảy ra trong bạn – một thay đổi mà không chủ tâm hay ước muốn từ trước, một chuyển đổi, một cách mạng hoàn toàn mà trong đó chỉ độc nhất sự thật là chủ nhân và không còn những tạo tác của cái trí.

Và nếu tôi được phép đề nghị, bạn nên lắng nghe mọi thứ bằng cách đó – không chỉ lắng nghe điều gì tôi đang nói, mà còn lắng nghe điều gì những người khác đang nói, lắng nghe những con chim, lắng nghe đến tiếng còi của một đầu máy xe lửa, lắng nghe tiếng ồn của chiếc xe buýt đang chạy qua.

Bạn sẽ phát hiện ra rằng bạn càng lắng nghe mọi thứ nhiều bao nhiêu, sự tĩnh lặng càng sâu thẳm bấy nhiêu, và sự tĩnh lặng đó ngay lúc ấy không bị phá vỡ bởi ồn ào.

Chỉ khi nào bạn đang kháng cự điều gì đó, chỉ khi nào bạn đang dựng lên một hàng rào giữa chính mình và điều gì mà bạn không muốn lắng nghe – chỉ khi đó mới có một đấu tranh.

LẮNG NGHE CHÍNH MÌNH

Người hỏi: Trong khi tôi đang lắng nghe ông ở đây, dường như tôi hiểu rõ, nhưng khi rời khỏi đây, tôi không hiểu được, mặc dù tôi cố gắng áp dụng điều gì ông đã nói.

Krishnamurti:

Bạn đang lắng nghe chính mình, và không phải đang lắng nghe người nói.

Nếu bạn đang lắng nghe người nói, ông ấy trở thành người dẫn dắt của bạn, một phương hướng dẫn đến hiểu biết của bạn và điều đó là một kinh hoàng, một ghê tởm, bởi vì bạn đã thiết lập một hệ thống của quyền lực. Vì vậy điều gì bạn đang làm ở đây là đang lắng nghe chính mình.

Bạn đang nhìn bức tranh người nói đang vẽ, nó là bức tranh riêng tư của bạn, không phải bức tranh của người nói.

Nếu điều đó quá rõ ràng, rằng là bạn đang quan sát chính mình, lúc đó bạn có thể nói, “Được rồi, tôi thấy chính tôi như tôi là, và tôi không muốn làm bất kỳ điều gì về nó” – và đó là sự kết thúc của nó.

Nhưng nếu bạn nói, “Tôi thấy chính tôi như tôi là, và phải có một thay đổi”, vậy thì bạn bắt đầu làm việc từ sự hiểu biết riêng tư của bạn – mà hoàn toàn khác biệt với việc áp dụng điều gì người nói đang nói….

Nhưng nếu, như người nói đang nói, bạn đang lắng nghe chính mình, vậy thì từ đang lắng nghe đó có sự rõ ràng, có tánh nhạy cảm; từ đang lắng nghe đó cái trí trở nên lành mạnh, mãnh liệt.

Không tuân phục và cũng không kháng cự, cái trí trở nên sinh động, mạnh mẽ – và chỉ một con người như thế mới có thể tạo ra một thế hệ mới, một thế giới mới.

VỀ TÁC GIẢ JIDDU KRISHNAMURTI


Sadhguru Wisdom Article | Sadhguru on Jiddu Krishnamurti
Jiddu Krishnamurti (1985 – 1986) Nguồn: Isha.sadhguru.org

Jiddu Krishnamurti hay J. Krishnamurti, (12 tháng 5, 1895–17 tháng 2, 1986) là một tác gia và nhà diễn thuyết nổi tiếng về các vấn đề triết học và tinh thần. Các chủ đề bao gồm (nhưng không giới hạn): mục đích của thiền định, mối quan hệ giữa con người, và phương cách để tạo nên sự thay đổi xã hội tích cực trên phạm vi toàn cầu. (Xem thêm: https://jkrishnamurti.org/ )

Krishnamurti được sinh ra trong một gia đình Bà la môn tại Ấn Độ (khi ấy là một nước thuộc địa). Khi còn thanh niên, Krishnamurti có cơ hội gặp gỡ với ông C.W. Leadbeater một nhà huyền bí học nổi tiếng và có vị trí cao trong Hội Thông Thiên Học tại một khu đất thuộc trụ sở chính của Hội Thông Thiên Học ở Adyar thuộc Madras (bây giờ là Chennai). Sau đó, Krishnamurti được nuôi dưỡng dưới sự giám hộ của bà Annie Besant và ông C.W. Leadbeater, những nhà lãnh đạo của Hội Thông Thiên Học lúc đó tin rằng Krishnamurti sẽ trở thành vị Thầy Thế Giới trong tương lai.

Krishnamurti đã bác bỏ ý tưởng này và giải tán hội Ngôi Sao Phương Đông (một tổ chức toàn cầu được lập để hỗ trợ ý tưởng này). Krishnamurti khẳng định rằng mình không thuộc bất cứ quốc tịch, tầng lớp, tôn giáo hay trường phái triết học nào, và ông giành suốt quãng đời còn lại của mình đi khắp thế giới như một nhà diễn thuyết độc lập, nói chuyện với các nhóm lớn và các nhóm nhỏ, cũng như với những cá nhân quan tâm.

Krishnamurti là tác giả của rất nhiều cuốn sách, ngoài ra, một khối lượng đồ sộ các bài nói và thảo luận của ông cũng được xuất bản. Ở tuổi 90, Krishnamurti đã diễn thuyết tại Liên Hợp Quốc về chủ đề hòa bình và nhận thức, và ông đã được trao tặng Huân chương Hòa Bình của Liên Hợp Quốc năm 1984. Buổi nói chuyện trước công chúng cuối cùng của ông diễn ra tại Madras, Ấn Độ, tháng 1 năm 1986, một tháng trước khi ông qua đời tại nhà riêng tại Ojai, California.

Những người ủng hộ ông, làm việc trong các chức phi lợi nhuận, trông nom một số trường học độc lập thực hiện quan điểm của ông về giáo dục – tại Ấn Độ, Anh Quốc và Mỹ – và tiếp tục sao chép và phổ biến hàng nghìn bài nói, các cuộc thảo luận nhóm và cá nhân, và các tác phẩm khác, xuất bản chúng dưới nhiều định dạng khác nhau, bao gồm sách, audio, video, sách điện tử, internet, với nhiều ngôn ngữ khác nhau.

J.Krishnamurti, cuộc sống và những lời dạy của ông trải dài trong phần lớn thế kỷ hai mươi, được nhiều người tôn vinh là một con người có ảnh hưởng sâu sắc nhất vào ý thức nhân loại trong thời đại hiện nay. Là một hiền nhân, triết gia và tư tưởng gia, ông soi sáng cuộc sống của hàng triệu người khắp thế giới: những người trí thức và những người bình thường, cả người già lẫn người trẻ.

Ông tạo ra ý nghĩa căn bản và mới mẻ cho tôn giáo bằng cách chỉ rõ một cách sống vượt khỏi tất cả những tôn giáo có tổ chức. Ông can đảm đối diện những vấn đề của xã hội hiện nay và phân tích bằng sự rõ ràng có khoa học những hoạt động của cái trí con người. Tuyên bố rằng sự quan tâm duy nhất của ông là “làm cho con người được tự do một cách tuyệt đối và không điều kiện”, ông tìm kiếm sự giải thoát con người khỏi tình trạng bị điều kiện sâu thẳm của tánh ích kỷ và đau khổ.

Từ đầu những năm 1920 đến năm 1986, Krishnamurti đi khắp thế giới cho đến cuối đời lúc 91 tuổi, tổ chức những buổi nói chuyện, những cuộc thảo luận, viết sách hay là ngồi yên lặng cùng những người đàn ông và phụ nữ đang tìm kiếm sự hiện diện đầy nhân ái và an ủi của ông.

Những lời dạy của ông không dựa vào những hiểu biết thuộc sách vở và kinh điển nhưng dựa vào sự thấu triệt về tình trạng bị điều kiện của con người và quan điểm của ông về sự thiêng liêng. Ông không trình bày bất kỳ “triết thuyết” nào, trái lại nói về những sự việc liên hệ với tất cả chúng ta trong cuộc sống hàng ngày: những vấn đề khi đang sống trong xã hội hiện đại với sự phân hoá và bạo lực của nó, sự tìm kiếm của cá nhân để có an toàn và hạnh phúc, và sự đòi hỏi của con người để được tự do khỏi những gánh nặng tâm lý của tham lam, bạo lực, sợ hãi và đau khổ.

Krishnamurti không lệ thuộc vào bất kỳ tôn giáo, giáo phái, hay là quốc gia nào. Ông cũng không tán thành bất kỳ trường phái tư tưởng thuộc học thuyết hay chính trị nào. Trái lại ông quả quyết rằng những trường phái này chính là những yếu tố phân chia con người với con người và tạo ra xung đột lẫn chiến tranh.

Ông nhấn mạnh vào thời gian và lặp lại liên tục rằng chúng ta là những con người cao quý và quan trọng nhất, rằng mỗi người trong chúng ta là phần còn lại của nhân loại và không khác biệt gì cả. Ông vạch ra sự quan trọng để tạo ra cuộc sống hàng ngày của chúng ta một chất lượng thiền định và tôn giáo sâu sắc.

Ông nói chỉ có một sự thay đổi triệt để mới có thể tạo ra một cái trí mới mẻ, một nền văn minh mới mẻ. Vẫn vậy lời dạy của ông vượt khỏi tất cả những biên giới do con người tạo ra của những niềm tin tôn giáo, những cảm tình quốc gia và những quan điểm thuộc giáo phái. Cùng lúc, chúng cho một ý nghĩa và một phương hướng mới đến việc tìm hiểu của con người hiện đại về chân lý, về thiêng liêng. Những lời dạy của ông, không chỉ liên quan đến thời đại hiện nay, mà còn có tính tổng thể và không thời gian.

Nguồn

Krishnamurti, J. Quyển sách của cuộc đời. Lê Tuyên biên dịch. NXB Tổng hợp TP.HCM
Thư viện Hoa sen https://thuvienhoasen.org/a33818/quyen-sach-cua-cuoc-doi-jiddu-krishnamurti
Hình ảnh: Deer behind grass/Magda/Pexels; Kalpes/Pexels; Soundon; Wendy/Pexels, Glen Carrie/Unplash,

Đọc thêm:

Đọc vị 2 nhóm cảm xúc của mình khi lắng nghe
4 điểm cốt lõi trong trí tuệ cảm xúc

Tập tìm hiểu, quan sát cảm xúc của bản thân qua hướng dẫn của sổ bài tập EI và 40 câu hỏi EI sau đây: